Sự kiện tàu Bình Minh 02 Tranh chấp Biển Đông Việt Nam – Trung Quốc (2011)

Ngày 26 tháng 5 năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tuyên bố ba tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn đang hoạt động tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý.[5][6][7] Hành động này đánh dấu sự leo thang trong hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam, được báo chí chính thống của Việt Nam thông tin rộng rãi, kịp thời, có sự phản đối bằng lời có mức độ của nhà cầm quyền Việt Nam, gây ra dư luận bức xúc cho người dân Việt Nam.[8] Đây được coi là hành động vi phạm chủ quyền thuộc loại nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc từng thực hiện tại vùng biển của Việt Nam tính tới tháng 5 năm 2011.[9]

Diễn biến sự việc

Tàu địa chấn Bình Minh 02 (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đang triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam (đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tếthềm lục địa của Việt Nam) thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011.

Vào lúc 05h05' ngày 26/5/2011, rada tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát. Sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp hai tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.[cần dẫn nguồn]

Vào lúc 05h58' tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Tọa độ bị cắt cáp là vị trí 12°48’25" vĩ độ Bắc và 111°26’48" kinh độ Đông, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.[10]

Ba tàu Hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02. Sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02 và thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.[cần dẫn nguồn]

Đấu khẩu giữa đôi bên

Ngày 28 tháng 5, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu nước này "chấm dứt ngay, không tái diễn" những hành động đó, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại. Việt Nam cũng cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của tuyên bố năm 2002 giữa ASEANTrung Quốc về ứng xử của các bên trên Biển Đông, cũng như "nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước".[11]

Cùng ngày, phản hồi cáo buộc của Việt Nam, phía Trung Quốc nói vụ việc ngày 26 tháng 5 là "hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền của nước này".[3] Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố "Trung Quốc phản đối việc Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc", vì nó "đi ngược lại lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, vi phạm nhận thức chung mà hai bên đã đạt được về vấn đề này".[3]

Ngày 29 tháng 5, phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga bác bỏ tuyên bố của bà Khương Du, nói khu vực xảy ra sự việc không thể do Trung Quốc quản lý, và cáo buộc nước này đang "làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông", "cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp".[12] Bà Phương Nga nói chính hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại "nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước" và "lời kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình của chính họ".[12] Việt Nam cũng khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò" (đường chín đoạn) của Trung Quốc là "không có cơ sở pháp lý".[12]

Ngày 31 tháng 5, người Phát ngôn Khương Du nhắc lại lập trường của Trung Quốc là tàu hải giám của họ chỉ "làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam".[4] Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định "đây là hành động hoàn toàn chính đáng" của Trung Quốc, và yêu cầu Việt Nam dừng ngay các hoạt động ở Biển Đông và không gây thêm rắc rối.[4] Tân Hoa xã vào ngày 3 tháng 6 đã trích lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói các cáo buộc của Việt Nam là "hoàn toàn bịa đặt" và "Trung Quốc luôn cam kết gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông".[13]

Ở một khía cạnh khác, việc xây dựng công trình hữu nghị do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại lên tới 200 triệu nhân dân tệ cho Chính phủ Việt Nam vẫn diễn ra. Không tới 1 tuần sau đó, vào ngày 2 tháng 6, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo sớm triển khai dự án và khẩn trương xây dựng Cung Hữu nghị Việt - Trung tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tranh chấp Biển Đông Việt Nam – Trung Quốc (2011) http://english.cntv.cn/program/dialogue/20110622/1... http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/articleTyp... http://www.atimes.com/atimes/China/MF24Ad01.html http://www.voanews.com/english/news/asia/southeast... http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-dri... http://paper.wenweipo.com/2011/06/22/YO1106220008.... http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/06-1... http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/05/muc-do-ga... http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/06/my-len-ti... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/05/tau-trung-q...